Nội dung

Tổng quan về web và internet

Giới thiệu

Internet là một thành phần không thể thiếu trong mạng lưới thông tin hiện đại ngày nay. Hệ thống thông tin internet cho phép người dùng tiếp cận, xử lý, truyền tải, tìm kiếm… thông tin một cách dễ dàng hơn, bao quát hơn.

Các nguồn thông tin trên Internet được tổ chức dưới dạng các trang web được liên kết chặt chẽ với nhau với mỗi trang web là một siêu văn bản. Vậy nên khi tìm hiểu về Internet thì không thể bỏ sót việc tìm hiểu về web.

Vậy internet và web là gì? Và cơ chế hoạt động của internet cũng như của web như thế nào?

Trong bài chém hôm nay chúng ta sẽ cùng ngược dòng thời gian để tìm hiểu nhé

Mẹo
 Bạn có thể Bookmark lại trang này để có gì sau này tham khảo lại nhé

Lịch sử

Internet được hình thành từ năm 1969, từ một dự án nghiên cứu của Bộ quốc phòng Mỹ có tên gọi ARPANET. Thuật ngữ Internet xuất hiện lần đầu vào khoảng năm 1974. Năm 1983 giao thức TCP/IP chính thức được coi như một chuẩn mới với điểm mạnh là khả năng liên kết các mạng khác với nhau một cách dễ dàng.

Năm 1991, Tim Berners Lee ở Trung Tâm Nghiên Cứu Nguyên Tử Châu Âu (CERN) phát minh ra World Wide Web (WWW) có thể nói đây là một cuộc cách mạng trên Internet vì người ta có thể truy cập, trao đổi thông tin một cách dễ dàng.

Năm 1994 NIST đề nghị thống nhất giao thức TCP/IP đã trở thành dịch vụ phổ biến thứ hai sau FTP. Những hình ảnh, video đầu tiên được truyền đi trên mạng Internet.

Năm 1995 Amazon được thành lập bởi Jeff Bezos. Cho đến nay đây vẫn đang là công ty thương mại điện tử lớn nhất thế giới. Trong thời gian này nhiều công ty nghiên cứu công nghệ tìm kiếm được thành lập như Alta Vista, Infoseek, Excite…

Năm 1996 Yahoo được đưa lên sàn chứng khoán. Yahoo vốn nổi tiếng với các dịch vụ nổi tiếng một thời tuổi trẻ của các thanh niên 8x, 9x như Yahoo Messenger, Yahoo Mail …

Năm 1998 Google được thành lập bởi Larry PageSergey Brin. Cho đến nay thì Google là công cụ tìm kiếm được nhiều người sử dụng nhất trên thế giới. Sự ra đời của Google đã giúp người dùng sử dụng, khai thác thông tin trên Internet thuận lợi hơn và các website có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với người dùng Internet.

Năm 1999 Peter Merholz đưa ra khái niệm “blog” là cách gọi ngắn gọn của Web Blog. Từ đây thì việc tạo ra website đã dễ dàng hơn và người dùng có thể dùng Internet để viết và chia sẻ bài viết, nhật ký… Về sau thì blog còn trở thành nơi chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm, quan điểm cá nhân… và trở thành một công cụ quan trọng của truyền thông xã hội.

2006 Google mua lại Youtube với giá 6 tỉ USD và mở ra thời kỳ mới về xem phim và chia sẻ phim trên Internet

2006 Facebook chính thức mở cửa cho người dùng đăng ký. Khái niệm mạng xã hội trở nên quen thuộc với người dùng Internet. Truyền thông xã hội bắt đầu phát triển mạnh mẽ. Vai trò của người dùng trên Internet trong truyền thông được đánh giá cao. Quyền lực của người dùng Internet cũng tăng lên.

Internet là gì?

Trích dẫn lại định nghĩa của wikipedia về Internet như sau

The Internet (or internet) is the global system of interconnected computer networks that uses the Internet protocol suite (TCP/IP) to communicate between networks and devices. It is a network of networks that consists of private, public, academic, business, and government networks of local to global scope, linked by a broad array of electronic, wireless, and optical networking technologies. The Internet carries a vast range of information resources and services, such as the inter-linked hypertext documents and applications of the World Wide Web (WWW), electronic mail, telephony, and file sharing.

Đưa vào Google dịch ra thì nó đại loại như sau:

Internet là hệ thống toàn cầu của các mạng máy tính được kết nối với nhau sử dụng bộ giao thức internet (TCP/IP) để giao tiếp giữa các mạng và thiết bị. Nó là một mạng lưới của các mạng lưới bao gồm mạng riêng tư, công cộng, học thuật, kinh doanh và chính phủ địa phương cho tới phạm vi toàn cầu được liên kết bởi một loạt các công nghệ mạng điện tử, không dây và quang học. Internet mang theo một loạt các dịch vụ thông tin và tài nguyên ví dụ như liên kết siêu văn bản và ứng dụng của World Wide Web (WWW), thư điện tử, điện thoại và chia sẻ tệp.

Tóm lại ta có mấy ý chính về Internet như sau:

  • Là mạng máy tính toàn cầu kết nối các mạng máy tính khắp nơi trên thế giới
  • Các máy tính giao tiếp với nhau thông qua giao thức TCP/IP
Ghi chú

Ngoài ra thì cũng có một khái niệm về Intranet là mạng máy tính cục bộ có kiến trúc như Internet nhưng mang tính đóng và thường được dùng trong trường học, doanh nghiệp, bệnh viện, cơ sở nghiên cứu … và người dùng muốn truy cập vào thì phải có tài khoản.

Nhưng trong bài viết ngày hôm nay thì ta chỉ tìm hiểu về Internet. Bạn có thể tìm hiểu về Intranet tại đây

Web là gì?

World Wide Web (www) hay Web là một mạng lưới toàn cầu là một không gian thông tin toàn cầu mà mọi người có thể kết nối và tương tác thông qua Internet. Thuật ngữ này từng bị hiểu nhầm là Internet. Nhưng thật ra thì Web chỉ một trong các dịch vụ trong Internet ngoài ra còn có thư điện tử, chia sẻ tệp… Các tài liệu trên World Wide Web được lưu trữ trong một hệ thống siêu văn bản (Hypertext), đặt tại các máy tính trong mạng Internet.

Internet & Web

Để hiểu rõ hơn về Internet thì ta có thể xem hình mô tả vĩ mô bên dưới và cùng tìm hiểu về các khái niệm liên quan như sau

/tong-quan-web-internet/cau-truc-internet.png
Cấu trúc cơ bản internet

ISP

Viết tắt của từ (Internet Service Provider) là nhà cung cấp dịch vụ Internet. Họ thuê đường truyền, cổng kết nối từ IAP rồi cung cấp dịch vụ truy cập Internet cho người dùng là doanh nghiệp hay các dịch vụ quan trọng khác như dịch vụ đăng ký tên miền, dịch vụ lưu trữ web, email ví dụ như ở Việt Nam thì ta có VNPT, FPT, Viettel..

IAP

Viết tắt của từ (Internet Access Provider) là nhà cung cấp đường truyền kết nối vào Internet còn gọi là IXP - viết tắt của từ Internet Exchange Provider.

Nếu hiểu Internet là một siêu xa lộ thông tin thì IAP là nhà cung cấp phương tiện để đưa người dùng vào xa lộ. Nói cách khác IAP có thể kết nối người dùng trực tiếp với Internet. IAP có thể thực hiện chức năng của ISP nhưng ngược lại thì không. Một IAP thường phục vụ cho một hoặc nhiều ISP khác nhau. Ví dụ ở Việt Nam ta có một số IAP như VNPT,FPT, VTC

Modem & Router

Mô tả sơ bộ thì trong thế giới Internet thì các nhà cung cấp đường truyền sẽ cung cấp cổng kết nối và đường truyền cho các nhà cung cấp dịch vụ Internet. Nhà cung cấp dịch vụ Internet sẽ bán các gói truy cập Internet cho cá nhân và doanh nghiệp. Nhiều nhà cung cấp dịch vụ internet còn bán kèm luôn thiết bị đầu cuối để người dùng kết nối vào mạng như Modem - là thiết bị giúp kết nối mạng nội bộ Intranet với mạng internet lớn hơn và Router - là phần cứng cho phép tất cả các thiết bị sử dụng kết nối internet cùng lúc qua có dây hoặc không dây thông qua kết nối của Router, đồng thời cho phép chúng giao tiếp với nhau mà không cần thực hiện qua internet…

Máy chủ dữ liệu

Nhiều nhà cung cấp dịch vụ internet khác thì bán dịch vụ lưu trữ web, máy chủ cho cá nhân tổ chức lưu trữ website, thư điện tử, chia sẽ tệp…

Tóm lại: Người sử dụng bình thường ngày nay thì thường mua Router có chức năng chia sẻ wifi để có thể kết nối nhiều thiết bị cùng lúc như laptop, máy tính, điện thoại thông minh, máy in… Và Router sẽ kết nối với Modem (thường được cung cấp bởi nhà cung cấp dịch vụ internet) để kết nối mạng ra bên ngoài.

Cách Web hoạt động

Tổng quan

Tiếp đến thì ta sẽ xem xét mô hình vi mô về quá trình sử dụng Internet của một người dùng ngày nay và cùng phân tích những gì xảy ra phía sau nó nhé.

/tong-quan-web-internet/user-truy-cap-internet.png
Mô hình cơ bản internet

Khi người dùng là chúng ta muốn truy cập vào Internet thì ta phải sử dụng một phần mềm gọi là trình duyệt web (Browser) để xem siêu văn bản (HTML). Với trình duyệt web thì ta sẽ nhập thông tin là tên miền (domain) của trang web mà ta muốn truy cập vào thanh địa chỉ (address) của trình duyệt rồi sau đó trình duyệt sẽ tự động gửi thông tin tới máy chủ (web server) chứa trang web đó và lấy những thông tin mà máy chủ trả về là các tập tin HTML được viết và xuất bản bởi các chủ trang web đó. Sau đó trình duyệt sẽ hiển thị cho người dùng xem và tương tác.

Người dùng có thể xem và truy cập thông tin của toàn bộ web đó thông qua siêu liên kết (Hyperlink) để truy cập từ trang web này tới trang web khác trong cùng website hoặc khác website. Ta cũng có thể điền thông tin và bảng biểu và gửi thông tin cho trang web để máy chủ lưu trữ vào. Quá trình như vậy gọi là lướt web. Tuy nhiên độ chính xác và chứng thực thông tin thì không được đảm bảo.

Chi tiết

Bên trên là mô tả cơ bản về quá trình lướt web. Tiếp theo ta sẽ tìm hiểu kỹ hơn về phần kỹ thuật hoạt động và cùng tìm hiểu những thuật ngữ liên quan

/tong-quan-web-internet/dns-ip-domain-1.png
dns-ip-domain

Trong hình bên trên thì chúng ta có thể nói lại quá trình hoạt động sơ bộ như sau

  • Đầu tiên người dùng sẽ gõ tên trang web là domain vào thanh địa chỉ trình duyệt và bấm truy cập ví dụ là www.doidev.com.
  • Sau đó thì máy tính sẽ đã được kết nối mạng sẽ truy cập vào DNS (Domain Name System) là Hệ Thống Quản Lý tên miền (domain). Dựa vào tên miền thì DNS sẽ trả về địa chỉ IP (viết tắt của - Internet Protocol dịch ra là Giao thức Internet) và gửi trả về máy tính
  • Dựa vào địa chỉ IP thì trình duyệt sẽ kết nối tới máy chủ (web server) nơi đang lưu trữ website và thế là ta lướt web được

Cùng tìm hiểu thêm về các khái niệm được đề cập bên trên cũng như chi tiết hơn về cách chúng hoạt động

IP

Các máy tính giao tiếp với nhau sử dụng bộ giao thức TCP/IP. Để các máy tính có thể liên lạc với nhau thì mỗi máy tính cần phải có địa chỉ liên lạc và địa chỉ này là duy nhất. Bộ giao thức TCP/IP sử dụng địa chỉ IP để đánh dấu địa chỉ cho các máy tính trong mạng. Trong đó cụ thể

  • Địa chỉ IPv4 bao gồm 32 bit được chia thành 4 nhóm đều nhau, mỗi nhóm 8 bit. Ví dụ một địa chỉ IP là 245.243.231.345
  • Các nhóm được phân tách với nhau bởi dấu chấm.
  • Hiện nay có một số quốc gia đã đưa vào sử dụng địa chỉ IPv6 bao gồm 128 bit do đó có khả năng cung cấp 2128 địa chỉ. Còn IPv4 thì có khả năng cung cấp 232 = 4.294.967.296 Do địa chỉ IP phải duy nhất nên cần có một tổ chức quản lý việc cấp phát địa chỉ IP. Hiện nay tổ chức phi chính phủ Inter - NIC chịu trách nhiệm cung cấp địa chỉ IP để đảm bảo không có máy tính kết nối Internet nào bị trùng địa chỉ IP

Domain (tên miền)

Với địa chỉ IP toàn số như trên thì người dùng sẽ khó nhớ vô cùng và dẫn đến sử dụng dịch vụ sẽ khó khăn. Để thuận tiện hơn thì một tên tượng trưng sẽ được sử dụng thay thế cho địa chỉ IP và tên đó gọi là tên miền (domain)

Tên miền không chỉ là tên mà còn gắn với thương hiệu của cá nhân, tổ chức sở hữu. Mỗi tên miền có tối đa 63 ký tự bao gồm cả dấu chấm .. Tên miền được chấp nhận các ký tự (a-z, A-Z, 0-9 và ký tự gạch ngang giữa ‘-’). Tên miền đầy đủ có chiều dài không quá 255 ký tự

Browser (Trình duyệt web)

Trình duyệt web là một phần mềm ứng dụng được cài đặt trên máy của người dùng. Phần mềm này cho phép truy cập vào các trang web và hiển thị trang web từ định dạng HTML lên màn hình máy tính cho người dùng tương tác. Một số trình duyệt phổ biến như Chrome, Firefox, Safari…

URL
  • Mỗi tài nguyên được lưu trên trên internet sẽ được cấp cho một đường dẫn gọi là url
  • Nhờ vào đường dẫn mà chúng ta có thể tìm được trang web

DNS

Khái niệm

DNS là Hệ Thống Quản Lý tên miền bao gồm một loạt các cơ sở dữ liệu chứa địa chỉ IP và các tên miền tương ứng của nó. Mỗi tên miền sẽ tương ứng với một địa chỉ bằng số cụ thể. Hệ thống tên miền trên mạng DNS sẽ có nhiệm vụ chuyển đổi tên miền sang địa chỉ IP và ngược lại. Hệ thống tên miền DNS đã phát triển dưới dạng các cơ sở dữ liệu phân bố và mỗi cơ sở dữ liệu này sẽ quản lý một phần trong hệ thống tên miền. DNS có hai cấp là DNS Root Server và DNS Server hay còn gọi là Local Name Server hay Name Server.

  • DNS Root Server là máy chủ tên miền chứa các thông tin để tìm kiếm thông tin các máy chủ tên miền lưu trữ (authority) cho các tên miền thuộc mức cao nhất (TLD - Top Level Domain).

    • Máy chủ ROOT có thể đưa ra các truy vấn (query) để tìm kiếm tối thiểu là các thông tin về địa chỉ của các máy chủ tên miền authority thuộc lớp top-level-domain chứa tên miền muốn tìm. Sau đó, các máy chủ tên miền ở mức top-level-domain có thể cung cấp các thông tin về địa chỉ của máy chủ authority cho tên miền ở mức second-level-domain chứa tên miền muốn tìm. Quá trình tìm kiếm tiếp tục cho đến khi chỉ ra được máy chủ tên miền authority cho tên miền muốn tìm.
    • Nếu như các máy chủ tên miền ở mức ROOT không hoạt động, quá trình tìm kiếm tên miền sẽ không được thực hiện. Để tránh điều này không xảy ra, trên mạng Internet hiện tại có 13 hệ thống máy chủ tên miền ở mức ROOT,
  • DNS Server Thường thì các (ISP) cung cấp dịch vụ máy chủ web thì họ cũng phải tạo máy chủ riêng quản lý DNS (DNS Server) còn gọi là Local Name Server và công cụ để quản lý các bản ghi (record) và chính các bản ghi này sẽ được người thuê dịch vụ máy chủ là các chủ trang web thêm, chỉnh sửa trực tiếp trên DNS Server và sẽ được DNS Server cập nhật tự động. Nhưng thường do DNS Server phải cập nhật và đồng bộ cũng như phải xử lý rất nhiều truy vấn từ rất nhiều yêu cầu phân giải tên miền ra địa chỉ IP và ngược lại nên thường thì nếu nhanh thì DNS server sẽ cập nhật thêm, chỉnh sửa DNS trong vòng 15 phút, nếu lâu có khi tới 48h.

Câu hỏi
Làm sao để lưu, thay đổi địa chỉ IP của máy chủ web nơi bạn chứa web của bạn?
Thêm bản ghi vào DNS Server

Thường có các loại bản ghi như sau:

  • Bản ghi loại A là loại bản ghi dùng để ánh xạ giữa tên miền và địa chỉ IP (là IPv4) tương ứng của nó. Nói cách khác thì bản ghi loại A chỉ ra tên miền và địa chỉ IP của nó trên mạng ví dụ doidev.com IN A 157.245.242.152. Tên miền được khai báo trong bản ghi này gọi là tên miền chính (canonical domain)
  • Bản ghi loại AAAA cũng là loại bản ghi dùng để ánh xạ giữa tên miền và địa chỉ IP. Nhưng phiên bản địa chỉ IP ở đây là IPv6
  • Bản ghi CNAME cho phép mộtmáy tính có thể có nhiều cái tên. Nói cách khác bản ghi này cho phép nhiều tên miền cùng trỏ đến một địa chỉ IP cho trước. Để có thể khai báo CNAME thì điều kiện tiên quyết là phải có bản ghi loại A khai báo tên của máy trước và tên những tên miền này gọi là bí dánh của tên máy (alias domain). Ví dụ www.chemgiodoidev.com IN CNAME doidev.com nghĩa là tên miền www.chemgiodoidev.com là tên miền bí danh của www.doidev.com và cả hai tên miền này đều trỏ về địa chỉ IP là 157.245.242.152
  • Bản ghi MX dùng để khai báo trạm chuyển thư của một tên miền. Ví dụ các thư điện tử có dạng [email protected] sẽ được gửi đến trạm chuyển tiếp thư điện tử mail.doidev.com thì ta cần khai báo bản ghi MX trong DNS như sau doidev.com IN MX 10 mail.doidev.com trong đó
    • doidev.com là tên miền được khai báo để sử dụng như địa chỉ thư điện tử
    • mail.doidev.com là tên của trạm chuyển tiếp thư điện tử, nó thực tế là tên của máy tính dùng làm trạm chuyển tiếp thư điện tử
    • 10 là giá trị ưu tiên có nằm trong khoảng 0-255, giá trị ưu tiên càng nhỏ thì độ ưu tiên càng cao. Ví dụ nếu khai báo
      doidev.com IN MX 10 mail.doidev.com
      doidev.com IN MX 20 backupmail.doidev.com
      thì thư hộp mail.doidev.com sẽ nhận thư trước, xong nếu như nó không thể nhận thư thì sẽ chuyển qua hộp backupmail.doidev.com
  • Bản ghi NS Dùng để khai báo máy chủ tên miền cho một tên miền. Nó cho biết các thông tin về tên miền này được khai báo trên máy chủ nào. Với mỗi một tên miền phải có tối thiểu hai máy chủ tên miền quản lý do đó yêu cấu có tối thiểu hai bản ghi NS cho mỗi tên miền. Ví dụ doidev.com IN NS ns1.ispservic.com có nghĩa là tên miền doidev.com sẽ do máy chủ tên miền ns1.ispservice.com quản lý. Điều này có nghĩa là máy chủ tên miền ns1.ispserice.com sẽ quản lý luôn các bản ghi loại A, CNAME, MX… của tên miền doidev.com và các tên miền con của nó, ví dụ như tên miền con là chemgio.doidev.com
  • Bản ghi PTR (Poiter Record) như ta đã biết thì DNS Server không chỉ thực hiện chuyển đổi từ tên miền sang IP mà còn làm ngược lại chuyển đổi từ IP sang tên miền và nó được thực hiện thông qua bản ghi PTR này. Ví dụ 157.245.242.152.in-addr.arpa IN PTR doidev.com
  • Bản ghi NAPTR là bản ghi đặc biệt chứa đựng thông tin về các nguồn, những dịch vụ và ứng dụng nào sẽ được kết hợp với một số điện thoại xác định. Những dịch vụ này sẽ được lựa chọn và xác định bởi khách hàng.
Cách DNS Server hoạt động

Ta có sơ đồ sau mô tả cụ thể cách DNS hoạt động truy vấn

/tong-quan-web-internet/DNS-truy-van.png
DNS truy vấn

Giải thích cụ thể như sau:

  1. Trình duyệt máy khách gửi yêu cầu tìm kiếm địa chỉ IP cho tên miền ví dụ như www.doidev.com tới máy chủ quản lý tên miền cục bộ (Local Name Server) thuộc mạng của nó. Sau khi tìm kiếm trong cơ sở dữ liệu mà không có thông tin về IP của tên miền thì Local Name Server sẽ làm tiếp bước 2
  2. Local Name Server sẽ hỏi các máy Root Name Server kiểm tra thông tin.
  3. Sau khi kiểm tra cơ sở dữ liệu thì Root Name Server sẽ chỉ cho Local Name Server địa chỉ .com Name Server đang quản lý các tên miền có đuôi .com
  4. Local Name Server sẽ gửi yêu cầu tìm tên miền www.doidev.com tới .com Name Server.
  5. .com Name Server gửi lại Local Name Server địa chỉ IP của trang web www.doidev.com
  6. Local Name Server gửi lại trình duyệt máy khách địa chỉ IP của trang web www.doidev.com
  7. Trình duyệt máy khách dùng địa chỉ IP đó kết nối tới máy chủ đang chứa trang web
  8. Máy chủ trang web nhận và xử lý yêu cầu và trả về nội dung là các tập tin HTML để hiển thị trên trình duyệt máy khách.

HTTP & HTTPS

HTTP (Hyper Text Transfer Protocol) là giao thức truyền tải siêu văn bản. đây là giao thức tiêu chuẩn cho World Wide Web (www) để truyền tải dữ liệu dưới dạng văn bản, âm thanh, hình ảnh, video từ máy chủ web (web server) tới trình duyệt web của người dùng và ngược lại mặc định thông qua cổng 80

/tong-quan-web-internet/HTTP-Client-Server.png
HTTP tới website động dynamic

Trong hình minh họa bên trên thì ta có thể giải thích quá trình là khi trình duyệt gửi yêu cầu qua HTTP tới máy chủ thì máy chủ sẽ tương tác với cơ sở dữ liệu để lấy những dữ liệu và sau đó sẽ kết xuất (render) ra tập tin HTML rồi gửi ngược trở lại để hiển thị trên trình duyệt cho người dùng tương tác. Web được xây dựng theo mô hình này gọi là web động (dynamic website) và hiện tại trên thế giới thì nền tảng Wordpress sử dụng mô hình xây dựng website này và cũng đang rất phổ biến.

Thời kỳ đầu của web thì website được xây dựng đơn giản từ HTML với các tập tin tĩnh (static) và nội dung của website sẽ không có thay đổi gì vì nó không có cơ sở dữ liệu. Chúng ta có thể xem hình minh họa bên dưới

/tong-quan-web-internet/static-http.png
HTTP tới website tĩnh
Mách nhỏ
Trang web này cũng là trang web tĩnh nha bạn và không có cơ sở dữ liệu gì hết

Ngoài ra thì những năm gần đây thì có cách khác xây dựng website, ứng dụng dưới dạng Single Page Application (SPA) có hiệu năng cao hơn, giúp tăng trải nghiệm người dùng khi truy cập website, ứng dụng nhanh hơn và tiết kiệm tài nguyên cho máy tính (cả máy chủ và máy trạm) khi chỉ lấy những thông tin cần thiết khi người dùng yêu cầu tương tác trên website, ứng dụng qua API (Application Programming Interface). Ta có thể tham khảo mô hình này bên dưới

/tong-quan-web-internet/api-http.png
HTTP qua API

Trong quá trình kết nối và trao đổi thông tin trình duyệt sẽ mặc nhiên thừa nhận địa chỉ IP đó đến từ server của chính website mà bạn muốn truy cập mà không hề có bất kỳ biện pháp xác thực nào. Các thông tin được gửi qua giao thức HTTP (bao gồm địa chỉ IP, thông tin người dùng nhập vào bảng biểu trên website) cũng không hề được mã hóa và bảo mật.

Chính là lúc này thì phương thức HTTPS (Hyper Text Transfer Protocol Secure) ra đời. Thực ra thì nó cũng chính là HTTP nhưng đã được thêm chứng chỉ bảo mật SSL (Secure Sockets Layer - tầng ổ bảo mật) hoặc TLS (Transport Layer Security - bảo mật tầng truyền tải). Hiện tại đây là tiêu chuẩn bảo mật hàng đầu cho hàng triệu website trên toàn thế giới và giao thức này sử dụng cổng 443 (port 443)

Cả SSL và TLS đều sử dụng hệ thống PKI (Public Key Infrastructure - hạ tầng khóa công khai) không đối xứng. Hệ thống này sử dụng hai khóa để mã hóa thông tin liên lạc.

Bạn có thể mua chứng chỉ SSL từ nhà cung cấp chứng chỉ (Certificate Authority) hoặc có thể tạo chứng chỉ SSL miễn phí thông qua Let’encrypt. Sau khi có được chứng chỉ SSL thì bạn có thể cài đặt vào máy chủ web.

Bạn có thể kiểm tra là trang web của mình đã được cài đặt SSL thành công hay không bằng cách vào trình duyệt nhập địa chỉ trang web của bạn và sau khi truy cập, tải trang web thành công nếu phía bên trái thanh nhập địa chỉ trên trình duyệt mà có biểu tượng ổ khóa màu xanh hiện lên thì trang web đã cài đặt SSL thành công.

Mô tả quá trình kết nối sử dụng SSL như sau:

/tong-quan-web-internet/ssl.jpg
SSL

  • Bước 1: Bạn nhập vào hoặc chọn một URL an toàn: https://doidev.com
  • Bước 2: Máy chủ web sẽ nhận yêu cầu của bạn và sau đó gửi phản hồi rằng đang cố gắng để thiết lập kết nối tin cậy giữa trình duyệt web và máy chủ web, còn được gọi là “SSL handshake”
  • Bước 3: Sau khi SSL Certificate xác nhận thông qua SSL handshake, dữ liệu được truyền giữa máy chủ web và trình duyệt web sẽ được mã hóa để đảm bảo an toàn và riêng tư theo bước 4, 5.
Lời kết
  • Bài này chỉ là tổng hợp để cho bạn có cái nhìn tổng quan về Internet và web và xem mọi thứ hoạt động như thế nào.
  • Hi vọng là sau khi đọc xong bài chém gió cấp độ vỡ lòng này thì các bạn có chút hình dung về Internet và web để làm nền tảng tìm hiểu sâu hơn sau nhé