Nội dung

Lựa chọn web hosting cho website

Hosting là gì?

Theo định nghĩa trên Wikipedia dưới đây thì web hosting service

A web hosting service (often shortened to web host) is a type of Internet hosting service that allows individuals and organizations to make their website accessible via the World Wide Web.

Bên trên là định nghĩa tiếng anh và mình hiểu nôm na thì Host hay Web-Hosting được gọi chung là Hosting và đó là một dịch vụ lưu trữ và chia sẻ trực tuyến, là không gian trên máy chủ đã cài đặt các phần mềm cần thiết về chia sẻ trực tuyến như world wide web (www), truyền file (FTP), Mail… và người dùng có thể chứa nội dung trang web hay lưu trữ dữ liệu trên không gian đó.

Cụ thể hơn thì khi người dùng đăng ký dịch vụ web hosting cũng giống như là thuê một khoảng dung lượng ổ cứng lưu trữ trên máy chủ vật lý (physical server) để lưu trữ website, wep app.

Mẹo
 Bạn có thể Bookmark lại trang này để có gì tham khảo sau nhé

Ngoài ra máy chủ ở đây có thể là bất kỳ máy tính nào, chạy bất kỳ hệ điều hành nào miễn là nó luôn luôn hoạt động và được cài đặt những phần mềm cần thiết để cung cấp môi trường cho website, web app hoạt động được. Máy chủ đó cũng phải có địa chỉ IP cố định để mọi người có thể truy cập.

Thường thì những nhà cung cấp dịch vụ web hosting đã cài đặt phần mềm cần thiết và đảm bảo địa chỉ IP cố định cho website để mọi người có thể truy cập tới trang web. Nhưng địa chỉ IP là một dãy số khó nhớ (ví dụ: 192.168.118.114) do đó nên để cho dễ dàng hơn thì thường ta sẽ gắn một địa chỉ tên miền website (ví dụ: tenmiencuaban.com) vào địa chỉ IP của máy chủ nơi mà bạn host website. Do đó thay vì phải gõ địa chỉ IP trên thanh trình duyệt để truy cập vào website thì bây giờ người dùng chỉ cần gõ tên miền website thôi. Quá trình bên trên có thể mô tả bằng hình như sau:

/web-hosting/mo-hinh-web-hosting.png
Ví dụ tương quan giữa web hosting website và xây dựng nhà

Cách thức hoạt động của hosting?

Đối với nhà cung cấp dịch vụ hosting:

Tùy thuộc vào đối tượng khách hàng, mô hình kinh doanh mà nhà cung cấp web hosting sẽ cài đặt, cấu hình cần thiết tài nguyên máy chủ của họ thành các gói dịch vụ cấu hình thường liên quan tới sức mạnh của máy chủ như dung lượng RAM, dung lượng ổ cứng, số lượng tên miền… và sau đó thì sẽ bán cho người dùng

Về phía người dùng:

Tùy thuộc vào ngân sách, công nghệ sử dụng để xây dựng, xuất bản website, web app mà chọn các gói dịch vụ phù hợp. Sau đó đăng nhập vào trình quản lý tài khoản và tiến hành tải mã nguồn lên máy chủ, tiến hành gắn IP máy chủ vào tên miền website đã mua từ trước và làm một số thủ tục khác để đảm bảo website luôn hoạt động và được truy cập từ khắp nơi trên thế giới.

Yếu tố đánh giá chất lượng dịch vụ hosting là gì?

Thông thường để đánh giá chất lượng dịch vụ hosting thì có yếu tố về kỹ thuật như cơ sở vật chất là cấu hình các máy chủ vật lý, linh kiện sử dụng có phải từ những hãng nổi tiếng không? Độ tin cậy về độ bền, tốc độ rồi đảm bảo an toàn máy chủ khỏi tai họa thiên nhiên, cháy nổ, ngập lụt… ngoài ra thì còn có yếu tố về dịch vụ phục vụ khách hàng, liên hệ kỹ thuật hỗ trợ…

Bỏ qua yếu tố về dịch vụ phục vụ vì cái này rất khó nắm bắt vì tùy thuộc vào từng nhà cung cấp và nhà nào cũng nói dịch vụ của mình là tốt nhất. Ta tập trung nhiều hơn vào yếu tố kỹ thuật cái có thể nhìn, sờ và có thông số để so sánh ví dụ như

Độ nổi tiếng của nhà cung cấp dịch vụ hosting

Hiển nhiên thì một nhà cung cấp càng nổi tiếng và nhiều người nhắc tới và khuyên dùng thì sẽ đỡ rủi ro hơn là một nhà cung cấp mới trên thị trường. Nhưng dù sao thì khi lựa chọn cũng nên tiếp cận và tiếp thu đánh giá từ nhiều nguồn để có cái nhìn khách quan nhất cho lựa chọn nhà cung cấp để gửi website của bạn.

Cam kết thời gian máy chủ hoạt động và tốc độ đường truyền

Cái này rất quan trọng vì nếu như thời gian máy chủ ngừng hoạt động (downtime) càng nhiều thì ảnh hưởng tới tình hình kinh doanh và độ tin cậy của website làm ảnh hưởng tiêu cực tới hình ảnh của website trong mắt người truy cập, gây khó chịu tới trải nghiệm của họ như truy cập web mà không được, rồi tốc độ tải trang chậm…

Cấu hình sức mạnh cho máy chủ so với giá cả gói cước

Gói cước mà nhà cung cấp đưa ra có hợp lý khi tương quan giữa sức mạnh tổng thể cho máy chủ đó và giá thành hay không? Loại chip, ổ cứng là SSD hay HDD, ram sử dụng rồi dung lượng ổ cứng, ram phân bổ cho gói cước như thế nào?

Băng thông (bandwidth)

Băng thông chính là lượng dữ liệu đã trao đổi giữa trang web với người truy cập trong một khoảng thời gian và thường được tính trong một tháng. Cụ thể hơn thì ví dụ như người dùng truy cập vào trang chủ của website của bạn và khi tải xong cả trang thì hết dung lượng là 1MB thì đó được tính vào dung lượng băng thông và tổng dung lượng cho toàn bộ người dùng truy cập vào website trong một tháng sẽ tính ra băng thông trong tháng đó. Thông thường thì để hấp dẫn người dùng thì nhà cung cấp hosting thường cho băng thông không giới hạn nhưng cũng có những nhà cung cấp giới hạn băng thông và sẽ tính tiền nếu như vượt qua giới hạn nên cũng cần lưu ý chỗ này.

Phần mềm hỗ trợ cài đặt, vận hành, quản lý website

Đây cũng là vấn đề cần xem xét khi quyết định sử dụng dịch vụ của nhà cung cấp. Nếu như nhà cung cấp có cài đặt sẵn bộ cung cụ giúp dễ dàng làm quen, cài đặt, vận hành, quản lý website thì sẽ là một điểm cộng đáng xem xét.

Có hỗ trợ Email theo tên miền của website không?

Đây cũng là một điểm cộng cho dịch vụ web hosting như kiểu mua bia kèm lạc và giúp dễ dàng hơn cho người dùng có thể thiết lập email theo tên miền riêng của website vừa chuyên nghiệp lại tin cậy và tạo ấn tượng tốt với người truy cập muốn liên hệ.

Có những loại hosting nào?

Các nhà cung cấp dịch vụ máy chủ web sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố và chia ra các gói hosting khác nhau cho từng đối tượng khách hàng khác nhau và có thể liệt ra ra một số loại gói hosting cơ bản như sau:

  • Share Hosting

  • VPS Hosting

  • Cloud Hosting

  • Wordpress Hosting

  • Dedicated Server Hosting

Tùy thuộc vào nhu cầu của người dùng mà sẽ lựa chọn loại hosting phù hợp để đảm bảo vừa hợp túi tiền mà lại mang lại thành quả như mình mong muốn.

Đi vào chi tiết từng ưu điểm và nhược điểm của từng loại hosting thì ta có thể nói liệt kê ra như sau:

Share Hosting

Thường đối với cá nhân có website là blog hay doanh nghiệp nhỏ với website giới thiệu về công ty của họ thì sẽ chọn gói Share Hosting để trải nghiệm trước và tùy vào lượng người dùng truy cập mà có thể nâng cấp lên gói cao hơn sau này.

Từ Share ở đây là bạn cũng có hiểu sơ sơ nghĩa là gói dịch vụ của mình sẽ nằm chung với nhiều người khác trên cùng một máy chủ vật lý và chia sẻ về tài nguyên, bộ nhớ, sức mạnh vi xử lý

Ưu điểm:

  • Giá cả thấp hợp túi tiền cho người mới bắt đầu

  • Máy chủ được cấu hình, cài đặt sẵn những phần mềm cần thiết của một máy chủ web

  • Có trình quản lý máy chủ (control panel) thân thiện và không yêu cầu phải biết kỹ thuật nhiều, điều này dễ dàng cho người mới bắt đầu

  • Nhà cung cấp dịch vụ chịu trách nhiệm quản lý, vận hành máy chủ web

Nhược điểm:

  • Ít quyền kiểm soát tới cấu hình máy chủ

  • Vì là chia sẻ tài nguyên nên nếu website cùng chia sẻ máy chủ vật lý với web của bạn mà có lượng truy cập cao đột biến thì cũng có thể ảnh hưởng làm chậm website của bạn.

VPS Hosting

VPS (Virtual Private Server - Máy chủ riêng ảo) là loại cao cấp hơn Share Hosting một chút. VPS cũng chia sẻ máy chủ vật lý cùng với những khách hàng khác nhưng có điểm khác biệt là nhà cung cấp phân vùng riêng cho VPS này một không gian riêng trên một máy chủ vật lý với bộ nhớ, sức mạnh vi xử lý chỉ dành riêng cho máy chủ của bạn mà thôi. Với VPS thì phù hợp hơn cho doanh nghiệp cỡ vừa và các website có lượng người dùng nhiều

Ưu điểm:

  • Có máy chủ riêng mà không phải mua máy chủ vật lý thật

  • Được sử dụng trọn vẹn tài nguyên máy chủ mà không phải chia sẻ cho ai hoặc bị ảnh hưởng bởi lượng truy cập của website khác

  • Có toàn quyền quản trị ở account cao nhất (root) đối với máy chủ

  • Dễ nâng cấp và tùy biến cài đặt phần mềm theo yêu cầu

Nhược điểm:

  • Giá thành cao hơn so với gói Share Hosting

  • Cần có kiến thức kỹ thuật về quản trị máy chủ web

Cloud Hosting

Đang là một giải pháp đáng tin cậy trên thị trường với đảm bảo thời gian hoạt động (uptime) của máy chủ là gần 100% và gần như không có chuyện máy chủ bị ngừng hoạt động (downtime). Có được điều này là do với Clouding Hosting thì bạn sẽ được cung cấp một bộ tập hợp các server và bộ mã nguồn, files được phân phối trên các bộ server này và khi một trong các server có vấn đề không hoạt động hay quá tải thì lượng truy cập vào website của bạn sẽ được điều hướng tự động xử lý tại máy chủ khác

Ưu điểm:

  • Gần như không có thời gian máy chủ ngừng hoạt động và website lúc nào cũng có thể truy cập được

  • Máy chủ bị hỏng thì không ảnh hưởng tới website của bạn

  • Tài nguyên được phân bổ tự động tùy vào lượng truy cập vào website của bạn

  • Tiền thanh toán tùy thuộc vào lượng truy cập vào website của bạn

  • Khả năng mở rộng linh hoạt hơn VPS

Nhược điểm:

  • Khó quản lý chi phí và nếu như không tối ưu mã nguồn tốt thì có thể dẫn đến phải trả nhiều tiền hơn vì lượng truy cập tăng đột biến có thể không phải đến từ người dùng truy cập mà đến từ việc chưa tối ưu mã nguồn

  • Không có quyền quản trị máy chủ

Wordpress Hosting

Là một dạng của Share Hosting được thiết kế riêng cho chủ website sử dụng mã nguồn Wordpress và máy chủ đã được cài đặt sẵn những phần mềm cần thiết để chủ website chỉ việc cài đặt trang Wordpress và sử dụng ngay mà không cần phải biết quá nhiều về kỹ thuật. Wordpress hiện tại cũng là một nền tảng mã nguồn mở được sử dụng rộng rãi bởi có nhiều theme, xây dựng website theo kéo thả phù hợp cho người không biết code hay biết chút chút cũng có thể tự mày mò làm website được.

Ưu điểm:

  • Giá thuê thấp

  • Dễ sử dụng cho người mới khi cài đặt Wordpress và có hiệu năng tối ưu

  • Có nhiều theme, plugin để chủ website tự cấu hình xây dựng website theo mong muốn

Nhược điểm:

  • Khi website có lượng truy cập nhiều thì trang web bị chậm vì bị nghẽn cổ chai khi sức mạnh của máy chủ bị quá tải do không thể xử lý quá nhiều yêu cầu trong một thời gian ngắn

  • Vấn đề về bảo mật website dễ bị tấn công vì hầu hết website wordpress đều có thiết lập giống nhau

  • Chủ website phải luôn cập nhật Wordpress và những theme, plugin kèm theo và những cập nhật có thể dẫn tới lỗi website hoặc ảnh hưởng xấu tới trải nghiệm người dùng

Dedicated Server (Máy chủ riêng)

Là một máy chủ vậy lý riêng với tài nguyên dành cho mình bạn tùy thuộc vào bạn cấu hình phần cứng, phần mềm cài đặt môi trường…

Ưu điểm:

  • Toàn quyền kiểm soát về phần cứng phần mềm

Nhược điểm:

  • Giá thành thuê cao nếu sau vài năm có khi tiền thuê cộng dồn còn nhiều tiền hơn là tự mua và lắp đặt máy chủ riêng

  • Cần kiến thức kỹ thuật và kinh nghiệm quản lý máy chủ

Vậy tóm lại, hosting là gì và lưu ý khi lựa chọn hosting?

Nói cho đơn giản thì hosting là nơi bạn chứa trang web đã được xuất bản để mọi người có thể truy cập vào và tương tác với website. Khi lựa chọn hosting cho người mới thì cứ lên diễn đàn, nhóm facebook, search google thấy nhà cung cấp nào nổi tiếng, có địa chỉ đặt máy chủ của họ gần nhất tới đối tượng website nhắm tới là sẽ truy cập vào website của họ thì cứ đăng ký gói thấp tiền để trải nghiệm và từ từ sẽ nâng cấp khi cần thiết.

Lời nhắn nhủ
Trên đây là toàn bộ bài viết, các bạn cứ nhiệt tình bình luận, góp ý vào bên dưới nếu có bất cứ thắc mắc nào nhé .